Đánh giá ASUS Eee PC 1025CE : Lựa chọn phù hợp túi tiền

So với khi vừa ra đời cách đây tầm 4,5 năm, ngày nay, những chiếc Netbook đã không còn được “hot” hay được săn đón nhiều nữa. Càng ngày Netbook càng bị lấn át bởi các thiết bị di động khác, từ máy tính xách tay siêu mỏng, smartphone,máy tính bảng, hay Ultrabook.

Những người tìm đến Netbook bây giờ hầu hết đều là những người dùng thực sự có nhu cầu cao về tính di động và thời trang, hơn là chạy theo xu hướng nhất thời như ngày trước. Vì thị trường đã không còn quá mặn mà, nên không khó hiểu rằng số lượng những nhà sản xuất còn tiếp tục bám trụ với mặt hàng này ngày càng “rơi rụng”, với những sản phẩm ra mắt cũng ngày càng ít dần đi.

Tuy nhiên, ASUS có vẻ như đứng ngoài cuộc “tinh giảm biên chế” này. Họ vẫn lần lượt đều đặn ra mắt những chiếc Netbook mới, với cả những sự cải tiến về hiệu năng cũng như về thiết kế. Sản phẩm mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc lần này là chiếcASUS Eee PC 1025CE, chiếc máy mới nhất thuộc dòng Eee PC của ASUS (tính đến thời điểm viết bài). Dưới đây là một vài thông số chính của chiếc máy này:

Màn hình

10.1 inch, 1024 x 600 px resolution, matte

CPU

Intel CedarTrail Atom N2800, 1.86 GHz

Chipset

Intel NM10

Video

Intel GMA 3650 HD (640MHz)

Memory

2 GB DDR3 1066 MHz

HDD

500 GB 5400 rpm

Kết nối

Bluetooth 3.0, Wireless N, Fast Ethernet

Cổng giao tiếp

2 x USB 2.0, 1 x USB 3.0, VGA, HDMI, LAN, card-reader, webcam with protection lock

Pin

6 Cell 5200 mAh 56 Wh

Hệ điều hành

Windows 7 Starter/ HĐH của ASUS

Cân nặng

Khoảng 1.22kg

Thiết kế

Thiết kế của những sản phẩm đến từ ASUS từ trước đến nay thường khá “dung dị” (trừ các dòng máy đặc biệt với số lượng sản xuất hạn chế), tức là không quá phô trương mà tập trung vào trải nghiệm cho người dùng.

Nói về dòng Eee PC, đây là một trong những dòng Netbook có mặt đầu tiên trên thị trường (nếu tôi nhớ không nhầm là cùng với dòng Aspire One vàHP mini). Nhìn lại thiết kế của những chiếc Eee PC thời kỳ đầu, và nhìn lại chiếc Eee PC 1025CE ngày hôm nay, chúng ta thấy dường như đã có một sự “lột xác”.

Công bằng mà nói thì thiết kế của những sản phẩm như 1000H hãy còn khá thô

Bản thân người viết đã dùng qua một số dòng Eee PC đời đầu, trong đó có những chiếc 1000H hoặc 901H. Hồi đó việc sở hữu một chiếc Netbook chưa phải phổ biến lắm và những chiếc máy này hãy còn là “mốt”. Cảm nhận hồi đó của người viết về những chiếc máy này là thật tuyệt vời: nhỏ, cực kỳ nhẹ, thời gian dùng pin siêu lâu, dùng trên giường sau khi tắt đèn đi ngủ rất khoái – LOL. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại, những chiếc máy đó hãy còn khá “thô”, khá dày và vẫn còn nặng (đúng là cùng với sự phát triển của công nghệ thì tiêu chuẩn với các sản phẩm điện tử của người ta được đặt ra ngày càng cao), đặc biệt là lớp vỏ làm bằng nhựa bóng tạo cảm giác thiếu an toàn.

Đến chiếc Eee PC 1025CE thì những điểm bất hợp lý trên các mẫu máy đầu tiên đã được khắc phục phần lớn. Phần dày nhất, tạo nên sự nặng nề nhất của chiếc máy, phần pin, đã được thu gọn đi đáng kể (tuy nhiên đi kèm theo đó là sự giảm sút về dung lượng, chỉ còn 5200mAh). Các đường nét thiết kế đã được gọt giũa để biến chiếc máy trở thành mảnh mai hơn, thuôn mượt hơn. Và sau đây chúng ta sẽ đi vào chi tiết.

Đường nét thiết kế của 1025CE tinh tế hơn nhiều

Đầu tiên là phần nắp máy. Phần nắp máy của những dòng máy Netbook ASUS gần đây đã bỏ đi lớp sơn bóng, thay vào đó là lớp sơn mờ nhưng trơn, giúp chống vân tay và bụi bẩn cũng như che giấu các vết xước tốt hơn. Phần nắp máy này được gia công rất chắc chắn, không thua gì những chiếc máy tính xách tay thông thường khác, nên bạn không phải quá lo lắng khi lỡ tay đặt vài quyển sách lên chiếc máy này. Tất nhiên, làm gì cũng chỉ có giới hạn: nếu bạn vô tình ngồi lên để “thử độ bền”, hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chia tay với chiếc máy thân yêu của mình. Ở giữa mặt nắp máy này là logo ASUS làm bằng chrome sáng bóng, thật tiếc là cũng như hầu hết các dòng máy của ASUS, logo này không được trang bị mạch phát sáng! Còn một điểm phải nói đến nữa, đó chính là hình dạng của phần nắp này, nó chính là được lấy cảm hứng từ tên gọi của series máy, series Eee PC Flare. Nó được thiết kế vát nhẹ ở 2 đầu, tạo cảm giác “ôm” vào phần thân máy hơn, do đó làm tăng sự chắc chắn và mỏng gọn khi bạn gấp chiếc máy lại. Khi mở máy ra, có thể thấy các góc của phần nắp này cũng được vát nhẹ, có vẻ khá khập khiễng nhưng bản thân người viết thấy phần nắp máy này của 1025CE khá giống với chiếc Xoom của Motorola.

Phần nắp máy khá chắc chắn, sơn trơn mờ

Logo của ASUS

Góc mở tương đối hẹp

Khớp nối của phần nắp và thân máy được làm rất chắc chắn, tuy nhiên do tiết kiệm không gian nên khá khớp với phần thân, khiến cho độ mở của màn hình không được rộng (chúng tôi rất ấn tượng về vấn đề này ở chiếc dm1 4000AU đã cóđánh giátạiđây).

Thiết kế đơn giản như phong cách vốn có của ASUS

Mở máy ra, có ta có thể thấy một thiết kế rất đơn giản, đúng như phong cách của ASUS xưa nay. Ngoài phần bàn phím và phần Touchpad sẽ nói đến ở các phần sau, ta thấy máy chỉ còn một phím vật lý duy nhất là phím nguồn (khi tắt mở máy sẽ có màu xanh, khá đẹp). Phía dưới Touchpad là dãy đèn báo hiệu: nguồn, pin, ổ cứng, wifi. Phía cạnh màn hình ta có thể thấy lại logo của ASUS. Phần chiếu nghỉ tay có một số decal giới thiệu các thành phần cấu hình và một số công nghệ tiêu biểu của máy.

Nút nguồn là phím cứng duy nhất của máy (trừ phím của camera)

Các logo giới thiệu công nghệ sử dụng trên 1025CE

Mặt dưới của máy cũng được làm từ chất liệu và phương pháp sơn/hoàn thiện tương tự như phần nắp. Phần này được trang bị nhiều khe tản nhiệt và một vài miếng đệm cao su, vừa giúp máy tản nhiệt tốt hơn, vừa tạo độ nghiêng cho bàn phím, giúp việc thao tác soạn thảo văn bản tốt hơn..

Cách phối màu hơi "củ chuối"

Ta sẽ tiếp tục xem xét đến các cạnh của máy. Các cạnh này được “ốp” bằng những dải kim loại làm bằng chrome sáng bóng. Chắc chắn nó sẽ là một ý tưởng tốt nếu đứng riêng, nhưng bản thân người viết thấy rất có ác cảm với việc phối hợp sự bóng loáng này với màu sắc khá “chói chang” của máy (máy có 3 màu: xanh nước biển, hồng và mận chín, phiên bản thử nghiệm màu hồng) là một sự tương phản khá khó chấp nhận.

Không thể có được thân hình mảnh mai như những chiếc Ultrabook, nhưng chính điều đó đã giúp nhà sản xuất có thể trang bị rất nhiều những kết nối từ cơ bản đến nâng cao cho chiếc Netbook này.

Cạnh trái

Cạnh phải

Khe cắm cổng Ethernet khá độc đáo

Khe cắm thẻ nhớ

Cạnh trái chúng ta có cổng cắm nguồn, một cổng xuất VGA, một cổng USB (2.0) và một cổng xuất HDMI xuất ra màn hình độ phân giải cao. Cạnh này cũng có nhiều khe tản nhiệt giống như trên các máy tính xách tay thông thường.

Cạnh trước được làm thuôn gọn lại nên chúng ta không thấy có cổng kết nối nào, tuy nhiên đây là chính là phía đặt loa của 1025CE. Chất lượng của âm thanh sẽ được bàn đến sau, nhưng chúng tôi thấy việc bố trí khá kín đáo và e ngại rằng có thể làm giảm âm lượng của máy .

Cạnh phải là nơi tập trung một vài thú vị nho nhỏ. Trước tiên chúng ta có cổng LAN Ethernet. Vâng, cổng LAN Enthernet fullsize không phải là điều to tát gì, kể cả nếu chúng ta xét đến việc vì yếu tố mảnh mai mà nhiều Ultrabook đã phải tinh giản mất cổng kết nối đã từng có thời rất quan trọng này. Ở netbook không khó khăn như thế, nhưng như một sự thú vị nho nhỏ, ASUS đã thiết kế lại cổng LAN này: bình thường khi không sử dụng phần cạnh dưới sẽ được kéo lên, vừa vặn với đương cong của mặt dưới máy. Khi có nhu cầu sử dụng, người dùng chỉ cần kẽ đẩy phần cạnh dưới xuống và cắm dây mạng vào bình thường. Chúng tôi nhắc lại là không có gì to tát trong thiết kế này, nhưng bản thân người viết đã mất tầm 10 phút “nghịch ngợm” với cái khớp này.

Tiếp đến là khe cắm khóa Kesington không có gì đặc biệt. Tiếp nữa là một khe cắm USB (3.0 woa!!) và một khe cắm USB 2.0, rồi đến jack cắm tai nghe/mic (tích hợp trong 1) và khe cắm thẻ nhớ 3 trong 1 (SD, SDHC, MMC). Chờ chút đã, có gì đặc biệt? Vâng, đó là việc Netbook được trang bị một cổng USB 3.0! Không phải là to tát, lại một lần nữa chúng tôi nói như vậy, nhưng không phải chiếc Netbook mới nào cũng được trang bị cổng kết nối rất “thời thượng” này.

Vậy là, thiết kế của 1025CE không có gì thực sự là điểm nhấn, cũng không phải quá cầu kỳ và đẹp đến xiêu lòng, nhưng nó rất đúng với truyền thống, bản sắc của ASUS: đơn giản và tinh gọn (chắc chắn sẽ góp phần lớn vào việc giảm giá thành sản phẩm).

Camera


Camera với khả năng zoom bằng nút vật lý!

Phía trên màn hình ta có thể thấy 1025CE được trang bị một camera 0.3Mpx. Vâng, 0.3Mpx là một độ phân giải rất thấp trong hiện tại, kể cả khi chúng ta chỉ nói đến các webcam, và lại là webcam của thiết bị di động. Với độ phân giải khiêm tốn như vậy thì chúng ta không đòi hỏi được gì nhiều ở chiếc camera này: chất lượng chỉ đạt mức trung bình, nhiều nhiễu kể cả khi trong điều kiện ánh sáng tốt, với ánh sáng yếu thì việc sử dụng video call hay chụp hình gần như là không thể.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà trong những decal giới thiệu về sản phẩm này vẫn có một phần được giành cho chiếc camera của nó. Phải, chất lượng của nó có thể không tốt lắm, nhưng nó có một tính năng thú vị mà chúng tôi lần đầu tiên thấy xuất hiện (chúng tôi chỉ nói trong phạm vi giới hạn hiểu biết của mình) trên một chiếc máy tính xách tay: chức năng zoom quang bằng phím vật lý. Phải, bằng phím vật lý hẳn hoi, chứ không phải zoom số bằng phần mềm như những chiếc webcam khác. Ở phía dưới ống kính webcam là một thanh trượt mà ban đầu chúng tôi không rõ lắm nó để làm gì. Nhưng dần dần chúng tôi nhận ra: thanh trượt này giúp đóng lại ống kính khi không sử dụng, và đồng thời đóng chức năng phím zoom (max là 4x) cho webcam này. Không bàn về chất lượng, nhưng đây quả thực là một tính năng khá thú vị của 1025CE.

Bàn phím – Touchpad

Bàn phím và Touchpad

Bàn phím của các sản phẩm ASUS gần đây nói chung thường khá giống nhau, và chiếc 1025CE cũng không phải là ngoại lệ. Nó cũng được trang bị một bàn phím dạng đảo với các phím tách biệt nhau. Bàn phím này có vị trí các nút được bố trí tốt, một điểm chúng tôi thích là có thêm một phím Fn ở bên phải, phía trên cụm phím mũi tên. Điều này giúp tăng khả năng thao tác nhanh với các chức năng được hỗ trợ trên bàn phím.

Một bàn phím được thiết kế tốt, nhưng hiệu năng chưa thực sự ấn tượng

Tuy nhiên, theo cảm nhận từ người viết thì hiệu năng của bàn phím này không tốt lắm: hành trình phím khá nông, kể cả so với tiêu chuẩn những thiết bị có độ dày khiêm tốn như netbook.

Một điểm trừ tiếp theo là phần các chữ in trên các phím. Chúng được làm khá cẩu thả, vẫn còn thấy đường viền quanh các nét chữ. Cộng thêm chất liệu làm các phím có vẻ như khá “rẻ tiền”, chúng tôi nhìn nhận đây là một bàn phím làm “mất giá” của chiếc máy.

Touchpad hoạt động tốt

Tiếp đến là phần Touchpad. Vẫn như những touchpad thông thường của ASUS, touchpad này có hiệu năng “đủ dùng”, nó không được cao cấp nhưMacbook Airnhưng cũng không đến nỗi quá tồi như trên một vài chiếc máy của HP: không quá nhiều chức năng, nhưng các chức năng được trang bị thì hoạt động ở mức đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng cơ bản: ngoài các thao tác cơ bản như chuột thì nó được trang bị khả năng cảm ứng đa điểm với một vài thao tác: sử dụng 2 ngón tay để cuộn, pinch-to-zoom, xoay,…

Nói thêm một chút, phần phím cứng (trái/phải) của chuột được gom lại trên một đế chrome duy nhất. Chúng tôi khá có ác cảm với kiểu thiết kế này, vì sự khó khăn mà nó sẽ gặp phải khi người dùng thao tác ở phần giữa của thanh này.

Tổng kết lại, phần bàn phím của 1025CE có nhiều điểm đáng chê hơn là khen, tuy nhiên Touchpad thì lại khá tốt.

Âm thanh – Hình ảnh

Chất lượng âm thanh trên loa Stereo của máy không được tốt lắm. Cũng phải thôi, ngoại trừ một số dòng cực kỳ cao cấp (như dòng N, trang bị loa của Bang & Oulfsen chẳng hạn), thì chất lượng loa của các máy ASUS chưa bao giờ được đánh giá cao cả. Tuy nhiên, lo ngại của chúng tôi về việc loa của máy sẽ bị giảm âm lượng khi thiết kế kín đáo như vậy đã bị bác bỏ: âm lượng giữa khi đế máy ở vị trí sử dụng hay khi lật máy lên (với cùng khoảng cách) là gần như không có sự khác biệt đáng kể. Một điểm hơi buồn là mặc dù chất lượng âm thanh nếu nói về độ chi tiết và chính xác thì khá tốt, nhưng điều này lại xuất phát từ việc âm lượng máy quá bé khiến các sai lệch gần như biến mất. Nếu bạn muốn dùng nó để giải trí hay nhún nhảy chút chút một mình thôi thì thoải mái, nhưng có lẽ không nên kỳ vọng sử dụng nó trong một không gian lớn hơn.

Màn hình khá tốt với nhu cầu sử dụng thông thường và cả ngoài trời

Màn hình trên các Netbook ra mắt gần đây không có nhiều điểm để chúng ta chê bai, đơn giản vì chúng đã gần như đạt giới hạn và không thể hơn được nữa về độ phân giải. Màn hình 10 inch với độ phân giải 1024x600 của 1025CE cho chất lượng hình ảnh không tồi, nhưng góc nhìn không tốt lắm. Việc được trang bị một bề mặt chống lóa giúp người dùng có được khả năng làm việc ngoài ánh sáng mạnh như ngoài trời chẳng hạn, tốt hơn so với màn hình gương truyền thống.

Hiệu năng

Phép thử cơ bản nhất: Windows Experience Index

1025CE là một trong những chiếc Netbook đầu tiên chạy trên nền tảng Cedar Trail. Nền tảng này thể hiện rõ nhất thông qua bộ vi xử lý Intel Atom N2800 với 2 nhân và 4 luồng (đồng nghĩa với việc có công nghệ Hyper Threading).

Cedar Trail là thế hệ tiếp theo của vi xử lí dòngIntel Atomchuyên dùng cho cácnetbook,nettophoặc máy tính bảng chạy Windows/Linux. Cedar Trail được chuyển đến tay các nhà sản xuất máy tính từ tháng 11/2011. Thế hệ mới này có hai model CPU được sản xuất dựa trên dây chuyền 32nm làAtom N2800(xung nhịp 1,86GHz) và N2600 (xung nhịp 1.6GHz) với giá 47 USD và 42 USD. Chúng sẽ thay thế cho Atom N475 và N455 hiện đang được dùng rộng rãi trên thị trường. CPU Cedar Trail có GPU tích hợp thuộc dòng Intel GMA 3600 hoặc 3650, hỗ trợ công nghệ DirectX 10.1 và tương thích với chipset NM10. Đối với nettop thì Intel có hai mẫu CPU hai nhân làAtom D2500và D2700 với xung nhịp lần lượt là 1,86GHz và 2,13GHz.

Dưới đây các thông số của CPU và kết quả của các phép thử thông dụng: Cinebech 10 và Cinebech 11.5

Do phần mềm chưa cập nhật nên các thông số chi tiết của GMA 3650HD chưa được nhận diện đầy đủ, tuy nhiên chúng ta biết nhân xử lý của nó chính làPowerVRSGX545. Nếu bạn chưa thấy quen thuộc thì nó (tất nhiên là với phiên bản khác) chính là chip xử lý đồ họa trên những chiếc iPad đình đám. Tuy nhiên với netbook, bạn đừng đòi hỏi quá cao khả năng xử lý đồ họa. Thứ thiết thực nhất mà xon chip này có thể xử lý được chính là phát video chất lượng HD 1080p, một điều mà các thế hệ Atom trước chưa thể vượt qua.

Với những tinh chỉnh hợp lý trong codec, Atom N2800 có thể hoàn toàn chạy được các video chất lượng HD. Tuy nhiên bạn sẽ phải chấp nhận đôi khi xảy ra hiện tượng giật hay trôi hinh.

Tiếp theo chúng ta bàn đến hiệu năng của ổ cứng. Dưới đây là phép thử HD Tune.

Ta có thể thấy, ổ cứng trên chiếc máy này là khá tốt, với tốc độ đọc/ghi đáng nể (tất nhiên chỉ so sánh với các ổ cứng trên các netbook khác), và tốc độ truy xuất ngẫu nhiên tương đối. Nếu được sử dụng công nghệ ổ cứng thể rắn SSD chắc chắn sẽ cho tốc độ tốt hơn nữa, tuy nhiên với mức giá khá tốt của 1025CE thì việc thiếu đi thành phần cấu hình này là hoàn toàn có thể hiểu được.

Một điều rất đáng hoan nghênh đó là việc ASUS đã trang bị cho cỗ máy này công nghệ Instant On, một sự kết hợp các giải pháp từ cả phần cứng và phần mềm, giúp giảm đáng kể thời gian khởi động của hệ thống, một công nghệ tưởng như là độc quyền trên các hệ thống Ultrabook vốn được “tăng lực” bởiSSD. Hiệu quả của công nghệ này là rất rõ ràng: khi kích hoạt, máy có thể khởi động với thời gian khoảng hơn 40 giây (tắt máy hẳn) và dưới 3 giây (khi để sleep hoặc hibernate). Tương đối ấn tượng với chiếc máy chỉ dùng HDD thông thường, và đặc biệt lại là netbook.

Thời lượng pin

Viên pin theo máy dung lượng 5200mAh

Với máy tính để bàn hay các máy tính xách tay lớn, hiệu năng cao mà người ta thường cắm sạc khi sử dụng thì có thể vấn đề pin không phải là quá đáng quan tâm. Tuy nhiên ở những sản phẩm nhỏ gọn và thường xuyên di chuyển như Netbook thì vấn đề này trở nên cực kỳ quan trọng, có thể nói là sống còn đối với sự thành công hay thất bại của một dòng sản phẩm.

Chiếc 1025CE được trang bị cục pin có dung lượng 5200mAh, được ASUS giới thiệu rằng có thể hoạt động trong khoảng thời gian lên tới 12 giờ, quá đủ cho cả một ngày dài làm việc bận rộn.

Tất nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Mặc dù vậy, trên thực tế, qua quá trình thử nghiệm, chúng tôi cam đoan là có thể đạt được mốc 12 giờ, tất nhiên là phải tinh chỉnh các thông số ở mức thích hợp.

Chúng tôi có y định test bằng một phần mềm chuyên dụng nhằm cho bạn đọc cái nhìn so sánh với cả các dòng máy khác. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số khô khan cung cấp từ những phần mềm không thể so sánh với thử nghiệm thực tế được. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm với các điều kiện như sau:

- ĐK 1: chơi video đuôi mkv chất lượng 720p, tắt các kết nối không dây, để chế độ cho máy tự động chọn, độ sáng 50%

- ĐK 2: thiết lập như thông thường sử dụng (bật Wifi, tắt Bluetooth, để chế độ tự động chọn, độ sáng màn hình 40%)

- ĐK 3: mức độ sử dụng nhẹ(đọc sách, duyệt văn bản, xem ảnh, bật wifi, lướt web với 3,4 tab, màn hình đặt độ sáng 30%, cũng để máy tự chọn chế độ năng lượng)

Và dưới đây là kết quả thử nghiệm

Thời lượng pin không phụ kỳ vọng

Thật tuyệt vời, máy hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng cả ngày, tiêu chí tiên quyết người dùng đặt ra khi tìm mua một chiếc Netbook.

Nhiệt độ - Độ ồn

Vấn đề nhiệt độ của các thiết bị di động ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của người dùng, nên nó là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một chiếc máy tính xách tay, đặc biệt là netbook, do kích cỡ bé nhỏ nên nócó nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người sử dụng.

Hoàn thành tốt việc tản nhiệt trên những sản phẩm mà độ ồn bị cắt giảm tối đa bằng việc hạn chế số vòng quay của quạt như thế này có vẻ là một nhiệm vụ khó khăn mà ASUS phải hoàn thành trên các sản phẩm Eee PC của họ. Với kinh nghiệm của mình họ đã thực hiện điều này khá tốt, mặc dù lúc đầu chúng tôi có hơi lo ngại: mới chạy các chương trình test (chưa phải là những chương trình test nặng nhất) khoảng 15 phút, nhưng phần mặt dưới của máy đã nóng lên đáng kể. Việc sử dụng khi bạn đặt trên đùi chẳng hạn, chắc chắn sẽ không phải là một cảm giác thực sự thoải mái. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng, có vẻ như nhiệt độ này không tăng lên nhiều sau quá trình sử dụng. Nó gần như giống nhau khi chạy 15 phút hay 15 tiếng – LOL, sự khác biệt sẽ chỉ đến ở khe tản nhiệt bên trái sau vài giờ sử dụng liên tục.

Để rõ ràng hơn, chúng tôi đã tiến hành những phép đo bằng phần mềm chuyên dụng , ở đây là phần mềm HW Monitor. Dưới đây là kết quả sau khi chạy full-load CPU với phần mềm Imtec dùng để test thời lượng pin.

Về độ ồn thì là một câu chuyện khác. 1025CE gần như một chiếc tàu ngầm, hoạt động cực kỳ êm ái. Có lẽ nếu không có màn hình sáng thì không thể nhận ra là chiếc máy đang hoạt động.

Phần mềm

Màn hình khởi động

ASUS không phải là một nhà sản xuất nổi danh với việc “dội bom”hàng đống phần mềm cho khách hàng mua sản phẩm của mình như HP đã và đang. Cho nên , chúng tôi không ngạc nhiên lắm khi số lượng phần mềm được cài đặt sẵn trên 1025CE là không nhiều. Ngoại trừ phiên bản Windows 7 Starter đi kèm theo như một điều tất nhiên (việc cài đặt Win trên 1 chiếc máy không có ổ cứng vẫn là một thử thách với người dùng thông thường), máy cũng được trang bị một dạng phần mềm như kiểu “Hub”, tập hợp một vàiứng dụngcủa ASUS để giám sát cũng như tối ưu, cập nhật phần mềm cho hệ thống của người dùng. ASUS cũng “tặng” cho người dung một vài GB dung lượng lưu trữ trên dịch vụ lưu trữ đám mây của họ (Asus WebStorage) . Ngoài ra còn các phần mềm ứng dụng khác như Smart Camera hay Asus Media Sharing, vv… mà tự bản thân tên của chúng đã nói lên công dụng của mình, bạn đọc có thể trực tiếp trải nghiệm thêm.

Khả năng chuyển đổi hệ điều hành

Một điểm đặc biệt là ASUS dường như cung cấp một hệ điều hành dạng đám mây cho chiếc máy của mình để người dùng có thể tùy thích lựa chọn. Điều này làm chúng tôi nhớ đến những phiên bản Linux đã được cài đặt trên những chiếc ASUS Eee PC đầu tiên. Tuy nhiên, do thời gian thử nghiệm không có nhiều nên chúng tôi chưa chạy thử được các hệ điều hành này. Một lưu ý nhỏ cho những ai có ý định dùng thử: những sản phẩm hệ điều hành dạng đám mây có thể rất tốt với khả năng đồng bộ cũng như cập nhật liên tục, nhưng với những công việc quan trọng, chúng tôi vẫn khuyến cáo sử dụng các phiên bản phần mềm dạng Offline hơn.

Tổng kết


ASUS là một trong số ít những nhà sản xuất còn trụ lại với dòng sản phẩm Netbook. Bằng sự cải tiến cả về kiểu dáng cũng như hiệu năng và trang bị thêm một vài công nghệ mới, những chiếc Netbook của ASUS giờ đây đã đủ sức gánh vác được những nhiệm vụ mà trước đây chúng hãy còn làm chưa tốt.1025CE có thể không phải Netbook có sức mạnh đồ họa tốt nhất trên thị trường, cũng có lẽ không phải là chiếc Netbook đẹp nhất, nhưng với một mức giá hợp lý cộng với một hiệu năng và chất lượng thiết kế không đến nỗi tồi, nó thực sự có thể trở thành một phụ kiện luôn bên bạn mỗi khi đi xa.

;

Có thể bạn quan tâm

Tin khác