Đánh giá ASUS VivoTab RT

Bên cạnh hệ điều hành Windows 8 cho máy tính PC dùng vi xử lý Intel thì Microsoft cũng giới thiệu song song phiên bản Windows RT dành cho máy tính bảng dùng vi xử lý cấu trúc ARM.

_DSC1919-resized-resized.JPG

Bên cạnh hệ điều hành Windows 8 cho máy tính PC dùng vi xử lý Intel thì Microsoft cũng giới thiệu song song phiên bảnWindows RTdành chomáy tính bảngdùng vi xử lý cấu trúc ARM. Hiện tại, Windows RT vẫn đang được các đối tác OEM của Microsoft xem xét và một trong những đối tác đầu tiên đưa nền tảng này lên sản phẩm thương mại là ASUS với chiếc máy tính bảngVivoTab RTTF600T. Chiếc máy tính bảng này có cấu hình gần như tương đương với siêu phẩm Surface RT nhưng không phải vì thế mà VivoTab RT trở nên "lép vế" so với con cưng của Microsoft. VivoTab RT vẫn sở hữu những nét riêng về thiết kế và tính năng và để hiểu rõ hơn, mời các bạn xem qua bàiđánh giáchi tiết dưới đây.

Thiết kế:

_DSC1867-resized.

Có thể nói, ASUS đã "đúc" VivoTab RT bằng một khuôn với Transformer Pad Infinity. Tuy nhiên, để tạo sự khác biệt, ASUS đã tái thiết kế lại mặt sau với 2/3 diện tích là chất liệu nhôm phay xước đặc trưng và 1/3 còn lại là một lớp nhựa với các đường gân nằm ngang tạo độ bám và điểm nhấn. Phần nhựa này còn bao phủ cụm camera 8 MP với đèn Flash và chip NFC bên trong.

Mặt trước, VivoTab RT được trang bị màn hình cảm ứng đa điểm rộng 10.1". Phần viền màn hình được làm khá lớn để người dùng có thể thực hiện các thao tác vuốt từ rìa - một trong những thao tác cơ bản trong các yếu tố định hướng trên Windows RT/Windows 8. Phía dưới màn hình là nút Windows cảm ứng giúp bạn quay trở lại Start Screen và phía trên hơi lệch về bên phải là camera trước.



Mặc dù là một chiếc máy tính bảng 10.1" nhưng VivoTab RT khá nhẹ, theo thông số kĩ thuật thì máy có trọng lượng chỉ 0,5 kg so với Surface của Microsoft là 0,68 kg. Ngoài ra, VivoTab RT cũng mỏng hơn Surface với chỉ 8,3 mm còn Surface là 9,3 mm. Vì vậy, cảm giác cầm VivoTab RT trên tay cũng nhẹ nhàng và thanh lịch hơn so với cảm giác đằm, hầm hố của Surface.

Các phím bấm của VivoTab RT được bố trí khá hợp lý với nút nguồn nằm ở cạnh trên bên trái đỉnh máy. Đa phần trong chúng ta đều cầm giữ máy bằng tay trái và thao tác bằng tay phải. Do đó, khi cầm máy lên thì chúng ta có thể nhanh chóng nhấn vào nút nguồn mà không cần phải tìm kiếm. Bên cạnh nút nguồn là một lỗ nhỏ để reset máy trong trường hợp bị treo. Trên cạnh trái từ trên xuống là một cổng microHDMI có nắp đậy, nút khóa xoay màn hình, khe cắm thẻ nhớ microSD và một nút gạt để tháo mở dock bàn phím. Trên cạnh phải từ trên xuống là jack tai nghe 3.5 mm và nút tăng giảm âm lượng. Cạnh dưới của máy gồm 2 khu vực đối xứng, bên trái là lẫy cố địnhvới dock bàn phím và bên phải là cổng sạc 36-pin kiêm đầu chuyển ra USB với adapter đi kèm.

Thiết kế của VivoTab RT nhìn chung khá ổn, có chăng người dùng sẽ phải làm quen với vị trí của nút khóa xoay màn hình bởi nó nhỏ và nằm cạnh nắp đậy cổng microHDMI. Mình thường bấm nhầm vào phần nắp này khi muốn tắt tính năng xoay lật.

Dock bàn phím:

_DSC1913-resized.

Tương tự Transformer Pad Infinity,ASUS VivoTab RTcũng có thể gắn thêm một chiếc dock bàn phím kiêm pin phụ. Dock được thiết kế tiệp với màu máy và cũng sử dụng chất liệu nhôm phay xước. Trên dock có một bản lề dạng khay và khá cứng. Thiết kế cứng như vậy sẽ giúp giữ cố định VivoTab RT trên dock khi chúng ta thao tác nhưng đồng thời, nó cũng khiến việc lắp ghép máy vào dock trở nên khó khăn hơn. Để gắn VivoTab RT vào dock, bạn phải mở phần bản lề ra một góc đủ rộng và gắn máy vào theo vị trí hình tam giác bên dưới nút Windows cảm ứng. Khi lắp ghép thành công, máy sẽ rung nhẹ báo hiệu. Vì vậy, bạn không thể gắn nhanh máy vào dock như Surface với Touch Cover. Ngược lại, việc tháo máy ra khỏi dock có phần dễ dàng hơn khi chỉ việc gạt nút tháo mở trên cạnh trái xuống và nhấc máy lên.



Phần bàn phím trên dock được thiết kế dạng chiclet với layout phím quen thuộc của ASUS. Tuy nhiên, kích thước bàn phím này không khác nhiều so với một chiếc netbook 10", phím nhỏ và nông nên trải nghiệm soạn thảo trên bàn phím thật sự chỉ thuận tiện hơn so với bàn phím cảm ứng trên màn hình. Bên dưới bàn phím cũng có bàn rê nhưng khá nhỏ và ngoài các thao tác cuộn bằng 2 ngón tay, bàn rê không hỗ trợ các cử chỉ (gesture) như bàn rê trên Touch Cover của Surface. Vì vậy, khi làm việc ở chế độ hybrid, bạn vẫn phải thao tác trên màn hình nhiều hơn và chiếc bàn rê chỉ phát huy tác dụng thật sự khi xử lý văn bản.

Ngoài bàn phím và bàn rê, trên chiếc dock này còn có thêm một cổng USB tiêu chuẩn để bạn có thể gắn thêm một thiết bị ngoại vi như chuột hay bút nhớ USB và một cổng sạc 36-pin tương tự cổng sạc trên máy. Bạn có thể dùng cục sạc đi kèm để sạc riêng cho máy hoặc cho cả dock lẫn máy, rất tiện lợi.

Thêm vào đó, qua quá trình sử dụng, mình cũng phát hiện ra một lỗi lạ. Khi tháo máy ra khỏi dock, đôi khi máy sẽ treo cứng và mình buộc phải khởi động lại. Hy vọng lỗi này sẽ không xuất hiện trên sản phẩm chính thức bởi chiếc máy mình dùng để đánh giá là một nguyên mẫu chưa hoàn thiện.

Màn hình và âm thanh:

_DSC1922-resized.

Với kích thước 10.1" kèm công nghệ Super IPS+, màn hình của VivoTab RT rất sáng và trong, màu sắc được tái hiện rất trung thực. Toàn bộ màn hình được bảo vệ bởi lớp kính cường lực Gorilla Glass chống va đập và trầy xước. Ngoài chất lượng hình ảnh, góc nhìn của màn hình theo ước lượng gần 180 độ và với góc nhìn rộng như thế này thì bạn có thể dễ dàng quan sát nội dung trên màn hình ở nhiều tư thế khác nhau. Tuy nhiên, một nhược điểm của màn hình trên VivoTab RT là nó khá chói khi sử dụng dưới nguồn sáng trực tiếp và dễ bám vân tay. Chính vì nhược điểm này nên ASUS đã tặng kèm trong hộp một chiếc khăn đặc biệt để lau đi dấu vân tay sau mỗi lần sử dụng.

Độ phân giải màn hình của VivoTab RT là 1366 x 768, ngang bằng với Surface. Với độ phân giải này, các yếu tố giao diện được hiển thị rất phù hợp với kích thước màn hình đồng thời giúp thực hiện các thao tác một cách dễ dàng. Thiết nghĩ, nếu sử dụng một độ phân giải cao hơn, chẳng hạn như 1080p thì mọi thứ sẽ nhỏ lại và tất nhiên chúng ta không thể thao tác thật chính xác với ngón tay. Tuy nhiên với độ phân giải này thì không thể đòi hỏi độ mịn của hình ảnh cũng như font chữ. Nếu bạn là người không quá khó tính thì bạn có thể hài lòng với chất lượng màn hình của VivoTab RT. Bên cạnh những mặt tốt thì màn hình của VivoTab RT cũng có một nhược điểm. Do thiết kế hơi thiên về chiều ngang theo tỉ lệ 16:9 nên khi sử dụng ở chiều dọc, khả năng hiển thị của màn hình lại bị giới hạn. Không gian nội dung bị hẹp lại và việc thao tác với màn hình trở nên khó khăn hơn.

Nếu như hình ảnh chưa làm bạn hài lòng thì âm thanh chắc chắn sẽ thuyết phục bạn. Với công nghệ SonicMaster, chất lượng âm thanh trên VivoTab RT thật sự tốt. 2 loa 2 bên hông máy cho âm thanh đầu ra to và trong, đặc biệt là âm bass. Cho dù mở tối đa âm lượng thì âm thanh vẫn không bị rè và bạn vẫn có thể nghe được chi tiết. Vì vậy, nếu so với những chiếc máy tính bảng cùng kích cỡ thì VivoTab RT có phần trội hơn về mặt âm thanh.

Máy ảnh chính:

Tương tự Transformer Pad Infinity, VivoTab RT cũng được trang bị camera 8 MP khẩu f/2.2 nhưng chất lượng hình ảnh chỉ ở mức bình thường. Mình đã thử chụp một vài kiểu ảnh và các bạn có thể tự đưa ra đánh giá của mình:



Để sử dụng camera trên VivoTab RT, bạn sẽ cần đến một ứng dụng riêng của ASUS. Ứng dụng này về cơ bản không khác với ứng dụng Camera mặc định trên Windows RT/Windows 8 nhưng được bổ sung thêm một số hiệu ứng và tối ưu hơn cho phần cứng trên máy. Mặc dù vậy, khi chụp ảnh thì hiện tượng "lag" vẫn xảy ra và tính năng lấy nét chưa tốt. Có thể do chiếc máy mình dùng là bản thử nghiệm nên phần cứng và phần mềm vẫn chưa tương thích tốt với nhau. Hy vọng với phiên bản thương mại thì các lỗi này sẽ được ASUS khắc phục triệt để.

Hiệu năng, ứng dụng và thời lượng pin:

Giống như những mẫu máy tính bảng Windows RT khác, ASUS VivoTab RT dùng vi xử lý Nvidia Tegra 3 quad-core tốc độ 1,3 GHz và 2 GB RAM. Cấu hình này không khác nhiều so với những mẫu máy tính bảng Android đời mới nhưng liệu một con chip như Tegra 3 có đủ mạnh để vận hành cả một hệ thống Windows RT hay không?

specs.

Trước khi có được câu trả lời về hiệu năng thì mình cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng ta không nên nhầm lẫn giữa Windows RT và Windows 8 tiêu chuẩn bởi 2 nền tảng này tuy giống nhau về giao diện bên ngoài nhưng rất khác về cấu trúc bên trong. Bạn có thể tham khảo thêmtại bài viết này. Windows RT là một phiên bản Windows được Microsoft thiết kế dành riêng cho các máy tính bảng dùng vi xử lý kiến trúc ARM. Giống như Windows 8, Windows RT cũng sở hữu giao diện Modern UI, Desktop và các thao tác vuốt chạm đặc trưng ngoại trừ việc không thể cài đặt các ứng dụng .exe truyền thống. Do đó, trên VivoTab RT, mình chỉ sử dụng chủ yếu các ứng dụng tải về từ Windows Store hay ứng dụng Modern, phần giao diện Desktop chỉ cần thiết khi xử lý văn bản với Office và quản lý tập tin qua File Explorer.

ASUS VivoTab RT được cài sẵn một số ứng dụng độc quyền khá hay bên cạnh những ứng dụng mặc định của Windows RT. Những ứng dụng có thể kể đến như ASUS WebStorage - cung cấp một ổ cứng lưu trữ đám mây với 5 GB miễn phí, My Dictionary - hỗ trợ từ điển Anh - Anh và dịch như Google Translate, My Library - ứng dụng đọc sách và ứng dụng giải trí ASUSvibeFun Center.



Các ứng dụng hoạt động trên giao diện Modern UI nhẹ và thân thiện với màn hình cảm ứng hơn nên Tegra 3 hoàn toàn có thể đáp ứng về mặt hiệu năng. Mình đã thử mở một loạt các ứng dụng và thực hiện thao tác chuyển đổi, đóng mở, v.v… mọi thứ đều được thực hiện rất mượt mà. Thời gian nạp ứng dụng cũng rất nhanh ngoại trừ một số ứng dụng cần kết nối Internet ngay từ đầu.

Hiện tại, các công cụ benchmark dành riêng cho Windows RT vẫn chưa có nên mình chỉ thực hiện một số bài thử đơn giản như stream video từ YouTube và chơi game. Mặc dù không có ứng dụng YouTube dành riêng cho Windows RT nhưng trải nghiệm xem video trực tiếp từ trangYouTube.comrất tốt, video nạp nhanh và hiện tượng dừng, mất khung hình hoàn toàn không xảy ra. Về phần game, mình đã cài đặt những game có đồ họa 3D điển hình như Guns 4 Hire và SoulCraft đồng thời thực hiện thao tác chơi, tạm ngưng ra màn hình Start Screen và trở lại. Với bài thử này, Tegra 3 vẫn chứng minh được sức mạnh của mình khi đáp ứng rất tốt những gì mình mong muốn: game chơi mượt và tốc độ phục hồi trạng thái nhanh khi chuyển sang ứng dụng khác.



Bên cạnh các ứng dụng Modern, mình cũng thử nghiệm khả năng "càn lướt" của Tegra 3 khi mở cùng lúc 9 tab trên trình duyệt IE 10 Desktop, mở File Explorer, mở cả Word và Excel 2013 sau đó quan sát mức tiêu thụ tài nguyên hệ thống bằng Task Manager. Với nhiều tác vụ như vậy, chỉ có 14% CPU được sử dụng, tổng lượng RAM còn trống khoảng 600 MB (đã bao gồm lượng RAM duy trì các hoạt động của hệ thống). Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng VivoTab RT có phần cứng đủ tốt để thực hiện các tác vụ hàng ngày, cả làm việc lẫn giải trí.

thu cpu.

Tuy nhiên, một điểm yếu đối với VivoTab RT là không gian bộ nhớ lưu trữ khá giới hạn. Bộ nhớ SSD 32 GB có lẽ vẫn chưa đủ bởi ngoại trừ phần hệ điều hành và một số ứng dụng cài sẵn, dung lượng trống còn lại chỉ khoảng 10 GB. Vì vậy, nếu muốn sử dụng thoải mái hơn thì bạn buộc phải mua thêm thẻ nhớ gắn ngoài.

Về pin, VivoTab RT được tích hợp sẵn pin 25 Wh và dock bàn phím có thêm pin 22 Wh. Thời lượng pin của VivoTab RT rất ấn tượng. Thử nghiệm thời lượng pin (không dùng dock), VivoTab RT có thể "sống" đến 9 tiếng với Wi-Fi luôn bật, độ sáng luôn ở 50% và sử dụng nhiều tác vụ khác nhau. Nếu gắn thêm dock, thời lượng sử dụng sẽ được kéo dài thêm hơn 4 tiếng nữa. Ngoài ra, mình cũng thử nghiệm mức độ hao pin bằng cách để độ sáng tối đa, chơi game và lướt web liên tục trong vài tiếng thì pin sụt mất 25% (không dùng dock). Vì vậy, có thể kết luận rằng nếu sử dụng ở cường độ vừa phải, VivoTab RT có thể duy trì hoạt động trong cả một ngày làm việc.

Lời kết:

VivoTab RT là một trong những chiếc máy tính dùng Windows RT đầu tiên trên thị trường hiện nay. Bên cạnh một số nhược điểm có thể chấp nhận được thì về tổng thể, VivoTab RT có thiết kế tốt, hiệu năng khá và tính năng phụ thuộc vào hệ điều hành Windows RT. Thiết nghĩ nếu có yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định chọn mua VivoTab RT thì cũng chỉ là sự băn khoăn về những gì Windows RT mang lại. Nếu bạn cần một chiếc máy tính bảng đa năng, vừa làm việc tốt với Office, vừa có thể giải trí với game và các trình chơi nhạc, video đầy đủ và thời lượng pin dài thì ASUS VivoTab RT là một sản phẩm rất đáng để lựa chọn. Dưới đây mình xin rút lại những ưu và nhược điểm của VivoTab RT:

Ưu điểm:
  • Thiết kế mỏng nhẹ;
  • Màn hình đẹp;
  • Âm thanh hay;
  • Pin lâu;
  • Có dock bàn phím + pin mở rộng;
  • Hiệu năng tốt.
Nhược điểm:
  • Dung lượng SSD khá giới hạn;
  • Bàn phím, bàn rê nhỏ, không hỗ trợ gesture;
  • Bản lề dock cứng và khó tháo lắp
  • Không hỗ trợ 3G/4G LTE.
Được biết, ASUS VivoTab RT sẽ được bán với mức giá 15,6 triệu đồng ở Việt Nam;

Có thể bạn quan tâm

Tin khác