“Dòng dõi” nhà Nintendo DS

Cùng tìm hiểu về các thế hệ Nintendo và cho mình những hiểu biết thú vị

Đã từ rất lâu, kể từ thuở máy Game & Watch đầu những năm 1980, hãng Nintendo đã trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất máy chơi game cầm tay. Suốt từ đó đến nay, trải qua các thế hệ máy Game Boy, Game Boy Color, Gameboy Advance…, Nintendo gần như là “ông vua” không có đối thủ trong thị trường chơi game cầm tay. Thậm chí đến ngày nay, khi đã có đối thủ rất đáng gờm là PSP của Sony, cùng những điện thoại chơi game tiên tiến (điển hình là iPhone của Apple), nhưng với thế hệ máy chơi game cầm tạy hiện tại của mình là Nintendo DS, hãng Nintendo vẫn nắm chắc được “ngai vàng” của mình. Trong bài viết này, chúng ra hãy cùng tìm hiểu đôi chút về “gia tộc” Nintendo DS cùng những “thế hệ” đã ra đời!

Thế hệ đầu tiên: DS “mập” (2004)

Thế hệ đầu tiên: DS “mập”

Cái tên Nintendo DS được hãng Nintendo nhắc đến lần đầu vào năm 2003 khi họ công bố sẽ giới thiệu một hệ máy chơi game mới vào năm 2004. Chiếc máy xuất hiện trước công chúng lần đầu là tại kỳ triển lãm E3 2004. Lúc này, thiết kế hình dáng máy vẫn còn trong giai đoạn mẫu thử nghiệm, nhưng những tính năng nổi bật của DS đã được Nintendo công bố: máy có hình dáng nắp gập, có 2 màn hình và đặc biệt, màn hình bên dưới có tính năng cảm ứng.

Chắc nhiều bạn đã biết cái tên “DS” nghĩa là gì. Nó là viết tắt của cụm từ “Dual Screen” (hai màn hình). Tuy nhiên, đó chỉ là cái tên hướng đến game thủ mà thôi. Chữ “DS” còn có một cái tên khác, hướng đến các nhà sản xuất game, đó là “Developer’s System” (hệ thống của nhà phát triển). Cái tên này nói rõ ngụ ý của Nintendo, khi họ muốn cung cấp cho các nhà phát triển game một hệ máy mới lạ, phù hợp với những ý tưởng thiết kế game táo bạo, đột phá.

Tháng 11/2004, máy Nintendo DS “xuất quân” đầu tiên tại thị trường Mỹ sau đó là đến Nhật (tháng 12), Úc (tháng 2/2005) và Châu Âu (3/2005). Hình dáng của Nintendo DS bản chính thức thay đổi khá nhiều so với bản mẫu mà Nintendo giới thiệu hồi E3. Chiếc máy có vẻ to hơn, chắc chắn hơn và lớp vỏ chỉ có một màu nhất quán chứ không xen kẽ xám-đen như phiên bản mẫu. Đây được xem là thế hệ máy DS chính thức đầu tiên. Máy có trọng lượng 300g, với kích thước là 148.7mm x 84.7mm x 28.9mm. Ở thế hệ đầu tiên này, DS chỉ có một màu duy nhất là màu xám bạc.

Thế hệ thứ 2: DS Lite (2006)

Máy DS Lite

Ngay từ khi ra đời, DS đã gặt hái thành công rực rỡ. Cho đến cuối năm 2005, trên toàn thế giới đã có gần 14,5 máy DS được tiêu thụ. Không tự mãn trước thành công này, hãng Nintendo bắt đầu chiến dịch “làm mới” đứa con cưng của mình bằng cách công bố phiên bản DS mới vào ngay đầu năm 2006. Phiên bản mới được mang tên DS Lite, được thiết kế lại nhỏ hơn, nhẹ hơn hẳn so với thế hệ DS đầu. Cũng từ lúc này, giới game thủ đã gọi chiếc DS đầu tiên là DS “Fat” (hay DS “mập”) để so sánh với hình dáng “mi-nhon” của DS Lite. Về tính năng và sức mạnh chơi game, DS Lite hoàn toàn không khác gì DS “mập”, ngoài trừ những thay đổi về ngoại hình. DS Lite có vỏ được làm bằng nhựa bóng, màu nút bấm tiệp với màu vỏ. Đúng như tên gọi, kích thước của DS Lite nhỏ hơn hẳn DS “mập”, với thông số: 133mm × 73.9mm × 21.5mm. Máy cũng nhẹ hơn nhiều so với thế hệ đầu với chỉ 218g.

DS Lite (trái) có màn hình sáng hơn hẳn DS “Fat”

Không chỉ vậy, thế hệ DS Lite còn có những cải tiến khác tạo nhiều thuận lợi cho người chơi. Chẳng hạn vị trí các nút chức năng (như nguồn) và micro được thiết kế lại, bút stylus dài hơn, màn hình sáng hơn và đặc biệt là thời gian dùng pin lâu hơn (do bộ xử lý ứng dụng công nghệ sản xuất mới, nhỏ hơn bộ xử lý trong DS cũ). Với DS Lite, hãng Nintendo cũng bắt đầu giới thiệu nhiều kiểu màu vỏ máy khác nhau. Cho đến nay, đã có đến… 12 loại màu vỏ khác nhau cho DS Lite, giúp các game thủ cả nam lẫn nữ thoải mái lựa chọn màu mình thích, thay vì chỉ màu xám đơn điệu như của DS “mập” cũ.

Các loại màu khác nhau của DS Lite

Kể từ đời DS Lite, máy DS không lựa chọn nơi “xuất quân” tại Mỹ nữa mà ra mắt đầu tiên tại Nhật Bản. Máy được bán tại đây vào tháng 3/2006 và 3 tháng sau phát hành trên khắp thế giới. Kể từ khi DS Lite xuất hiện, sự thành công của DS không chỉ dừng lại ở 2 chữ “rực rỡ” nữa mà phải nói là “vũ bão”. Cho đến cuối năm 2008, khi Nintendo lại rục rịch giới thiệu đời DS thứ 3, toàn bộ doanh số Nintendo DS trên toàn thế giới đã đạt đến hơn 96 triệu máy. Đến lúc này, doanh số DS đã bỏ ra xa đối thủ trực tiếp là Sony PSP (chí mới đạt 56 triệu bản hồi tháng 8 năm nay).

Thế hệ thứ 3: Dsi (2008)

Máy DSi

Chưa đầy 2 năm sau khi tung ra DS Lite, Nintendo lại gây bất ngờ khi giới thiệu tiếp đời DS thế hệ thứ 3. Thế hệ mới này có tên là Nintendo DSi. Về hình dáng, DSi không khác nhiều so với DS Lite, với kích thước 137mm x 74.9mm x 18.9mm. Nghĩa là DSi dài hơn nhưng mỏng hơn một chút so với DS Lite. Máy nặng 214g, nhẹ hơn chút xíu so với 218g của DS Lite. Điểm cải tiến nổi bật nhất của DSi chính là máy có thêm 2 camera nhỏ, một cái ở mặt ngoài, một cách nằm trên bản lề ngay giữa 2 màn hình bên trong. Cả 2 camera có độ phân giải 0,3 megapixel và phục vụ cho việc chơi game cũng như giúp các game thủ chụp hình bất cứ lúc nào tùy thích, như các điện thoại di động có tích hợp camera vậy.

Một thay đổi quan trọng khác của DSi là máy đã từ bỏ khe cắm thẻ game Gameboy Advance, khiến người chơi chỉ có thể chơi game GBA bằng cách tải game từ mạng. Thay vào đó, DSi bổ sung thêm khe đọc thẻ SD, giúp người chơi dễ dàng sao lưu và chia sẻ những hình ảnh mình chụp bằng DSi. Ngoài ra, những thay đổi khác gồm có nút nguồn chuyển từ dạng trượt sang dạng bấm, màn hình lớn hơn (3,25 inch so với 3 inch của DS Lite) độ sáng có 5 cấp so với 4 cấp của DS Lite. Tuy nhiên, thời lượng pin của DSi kém hơn DS Lite, giảm từ 15-19 giờ chơi xuống còn 9-14 giờ.

DSi (trái) có màn hình lớn hơn và có thêm camera so với DS Lite.

Nói thêm về tên gọi, một lần nữa DSi mang đến 2 ý nghĩa trong tên của mình. Thứ nhất, chữ “i” chính là “eye” (mắt), tức là 2 chiếc camera của máy. Ý nghĩa thứ hai, chữ “i” này chính là ngôi xưng “I” (tôi) trong tiếng Anh. Nó mang cùng ý nghĩa với hai chữ “ii” trong tên của hệ máy Wii là biểu thị hình dáng con người. Wii có 2 chữ “i”, mang ý nghĩa kết nối nhiều người chơi, còn DSi chỉ có 1 “i”, tức hướng đến những người chơi game cá nhân.

DSi ra mắt tháng 11/2008 tại Nhật Bản, và xuất hiện tại các thị trường còn lại vào tháng 4/2009. Tính đến lúc này, DSi góp vào tổng doanh thu của toàn bộ “đại gia đình” DS thêm gần 11 triệu máy nữa.

Thế hệ thứ 4: DSi XL/LL (2009)

Máy DSi XL/LL

Mới đây, hãng Nintendo lại tiếp tục làm giới game thủ DS xôn xao khi tiếp tục giới thiệu thế hệ DS mới. Đây có thể được xem là một phiên bản khác của thế hệ DSi. Mang tên DSi XL (LL tại Nhật Bản), đây là chiếc máy DS to nhất từng được Nintendo sản xuất. Nó có kích thước 161 x 91,4 x 21,2 mm, to gấp 1.61 lần so với DSi và 1,48 lần so với DS Lite. DSi XL có trọng lượng 314g, nặng nhất trong tất cả các dòng DS tính đến nay.

Máy lớn hơn, nên màn hình trên DSi XL cũng lớn hơn hẳn: 4,2 inch (so với 3 inch của DS Lite và 3,25 inch của DSi). Thêm vào đó, bên cạnh bút stylus truyền thống gắn trong máy, DSi XL có thêm một bút nhập dữ liệu (stylus) thứ 2 bên ngoài, có hình dáng to mập hệt như một chiếc bút máy, giúp người chơi thoải mái hơn khi sử dụng. Ngoài kích thước, DSi XL không có thêm đổi mới nào về tính năng và thiết kế. Thời gian pin của máy được Nintendo hứa hẹn là dài hơn DSi, với tổng thời gian chơi có thể đạt 13-17 giờ (tất cả thời gian chơi của các máy đều được đo ở độ sáng thấp nhất).

DSi XL lớn hơn hẳn DSi

Cho đến khi bạn đọc bài viết này, thì DSi XL đã ra mắt tại Nhật Bản (mang tên DSi LL) ngày 21/11. Lịch phát hành cho các thị trường còn lại vẫn chưa được Nintendo công bố, có thể là đầu năm 2010.

Có thể nói, càng tung ra nhiều thế hệ máy DS, hãng Nintendo càng gặt hái nhiều thành công và tiền bạc hơn nữa. Cho đến lúc này, doanh số của toàn bộ các đời máy DS đã đạt đến hơn 113 triệu máy toàn cầu. Chác chắn Nintendo sẽ không ngừng lại ở đây mà sẽ còn tiếp tục nâng cấp chiếc máy game cầm tay của mình nữa. Chúng ta hãy cùng chờ xem rồi đây sẽ còn những thế hệ DS nào “chào đời” nữa, hay là sẽ có một máy game cầm tay hoàn toàn mới sẽ sớm ra mắt?

;

Có thể bạn quan tâm

Tin khác