Nếu smartphone của bạn không có 1 trong 4 công nghệ này, đích thị chúng đã lạc hậu

Đây là 4 công nghệ được dự đoán sẽ trở thành xu hướng của làng di động 2016.

Sự kiện MWC 2016 thường niên diễn ra tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha kết thúc cũng là lúc chúng ta nhìn lại những công nghệ nổi bật nhất trong làng di động năm nay. Không chỉ mang ý nghĩa trình diễn, mà những công nghệ này còn được dự đoán sẽ trở thành xu hướng chung của làng di động trong năm tới.

Dưới đây là 4 công nghệ nổi trội nhất tại MWC 2016. Và nếu smartphone của bạn không có 4 công nghệ này, đích thị là chúng đã lạc hậu.

1. Sạc đầy pin 2.500 mAh chỉ trong 15 phút

Thời lượng pin luôn là một trong những yếu tố được người dùng quan tâm hàng đầu trên các thiết bị di động. Trong khi việc nâng cấp dung lượng viên pin trên smartphone đã không còn là xu hướng, các nhà sản xuất đã tìm ra một giải pháp khác, mang tính tạm thời nhiều hơn là đột phá: sạc nhanh, thậm chí là siêu nhanh.

Như OPPO là một ví dụ. Tại MWC 2016, OPPO đã giới thiệu công nghệ Super VOOC Flash Charge. Dù vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng nhà sản xuất Trung Quốc nói rằng, khi hoàn thiện công nghệ này có khả năng sạc đầy pin một chiếc smartphone có dung lượng pin 2.500 mAh trong thời gian 15 phút.

Đáng tiếc, nhà sản xuất cho biết, công nghệ này sẽ chỉ có mặt trên các thiết bị của OPPO trong thời gian tới. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, công ty Trung Quốc sẽ cấp phép cho các công ty khác sử dụng chung công nghệ Super VOOC Flash Charge. Với lợi thế là hỗ trợ cả 2 chuẩn Micro-USB và USB Type-C.

Chứng thực công nghệ Super VOOC Flash Charge.

Về cơ bản, Super VOOC Flash Charge vẫn duy trì một hiệu điện thế 5V khi sạc. Nhưng dòng điện không đi vào theo 1 luồng mà chia thành nhiều luồng sạc song song. Đồng thời, đi kèm những cải tiến về điện áp, viên pin đã đợc tùy chỉnh, giúp công nghệ này an toàn và không quá nhiệt khi áp dụng cho các thiết bị di động.

2. Điện thoại xếp hình lên ngôi

Dù không phải nhà sản xuất đầu tiên đi đâu trong lĩnh vực điện thoại xếp hình, hay điện thoại lắp ghép module. Nhưng LG lại là một trong số ít những nhà sản xuất tung ra được thị trường các mẫu smartphone module đầu tiên. Như chiếc siêu phẩm LG G5 là một ví dụ điển hình của loạt điện thoại này.

Bằng cách tháo rời cạnh dưới của máy, nơi đặt viên pin, LG G5 có thể dễ dàng kết hợp cùng rất nhiều các phụ kiện, đồ chơi khác nhau. Đầu tiên là module có tên LG Hi-Fi plus. Module này được mô tả như bộ chuyển đổi số-tương tự (DAC) 24 bits gắn ngoài do hãng âm thanh danh tiếng B&O sản xuất.

Trong khi đó, nếu muốn tăng cường khả năng chụp ảnh trên LG G5, người dùng có thể tìm tới một module khác là LG Cam plus. Về cơ bản, module này sẽ giúp G5 trở thành một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp, có báng cầm tay, bổ sung thêm nút chụp hình, nút zoom, kích hoạt flash và có thêm pin phụ 1.200 mAh.

Smartphone module, smartphone xếp hình? Những gì chúng ta biết về LG G5

Bên cạnh đó, nhà sản xuất LG sẽ còn biến hóa chiếc smartphone với nhiều đồ chơi khác. Ở đây có thể kể thêm 3 module nữa: kính thực tế ảo 360 VR do chính LG sản xuất; LG 360 CAM, camera 360 độ, và đặc biệt là Rolling Bot, một robot đích thực, đóng vai trò là người quản gia, hoặc chơi đùa cùng thú cưng.

3. Camera pixel kép

Với bộ đôi flagship Samsung Galaxy S7 mới ra mắt, một điều dễ nhận thấy là camera đã bớt lồi hơn. Nhưng đó chỉ là thiết kế bên ngoài, còn có một thay đổi khác về công nghệ chụp ảnh trên chiếc flagship này. Đó chính là công nghệ Dual Pixel (tạm dịch là pixel kép) vốn chưa được nhiều người dùng biết đến.

Cần phải hiểu, trước đây thế hệ Galaxy S6 sử dụng công nghệ lấy nét PDAF, bằng cách bổ sung thêm 10% tổng số điểm ảnh với các điốt quang lấy nét, và phân tán chúng một cách có chủ ý trên bề mặt cảm biến. Các điốt quang này giúp cảm biến nhạy sáng hơn, lấy nét nhanh hơn rất nhiều.

Nhưng nhờ có công nghệ Dual Pixel trên camera của bộ đôi Galaxy S7 và Galaxy S7 edge mới, công nghệ camera lấy nét trên di động tiến xa hơn thế khi bố trí hai điốt quang trên mỗi điểm ảnh. Thay vì chỉ 5-10% trên tổng số điểm ảnh, được sử dụng để lấy nét, các điốt quang sẽ xuất hiện trên 100% bề mặt cảm biến.

Điều này cho phép camera trên bộ đôi Galaxy S7 và Galaxy S7 edge tăng cường khả năng lấy nét và nhậy sáng. Đây sẽ là một bước tiến lớn về tốc độ lấy nét và độ chính xác của camera, đặc biệt là với các vật thể chuyển động, cảnh quay trực tiếp, hay trong điều kiện ánh sáng kém, thiếu sáng.

4. Camera kép

Đây không phải là lần đầu tiên, camera kép được xuất hiện trên một mẫu smartphone. Nhưng LG lại chính là nhà sản xuất cho thấy, camera kép là một yếu tố cần được đề cao trong thời đại chạy đua công nghệ hiện nay, bắt đầu với thệ hệ LG V10, với 2 camera tự sướng ở mặt trước cho góc chụp rộng hơn.

Cụ thể, trên mẫu LG G5, máy sở hữu một camera có cảm biến 16 MP, với khẩu độ f/1.8, có hỗ trợ OIS, lấy nét laser và cảm biến Color Spectrum. Còn lại, cải tiến lớn nhất của LG G5 là thêm một camera phía sau với cảm biến 8 MP, có khả năng chụp hình góc rộng, cụ thể là 135 độ, và khẩu độ chỉ là f/2.4.

Qua một số ảnh chụp thực tế, chất lượng của camera này đã được khẳng định. Ảnh chụp từ LG G5 mang tới cho người dùng góc chụp rộng hơn, dải màu rộng hơn và trên hết là nước ảnh hết sức chân thực. Nghĩa là thay vì chỉ có vài ba người có mặt trong hình, con số này sẽ được nâng lên gấp đôi, gấp ba.

Video trình diễn smartphone LG G5.

Tuy nhiên, người dùng cũng phải chấp nhận một thực tế, với những tấm ảnh có góc siêu rộng, khung hình có thể bị méo đôi chút, hoặc giảm độ chi tiết của tấm hình. Nhưng nếu thực sự cẩn thận và cầu kì, điều này sẽ được giải quyết dễ dàng với các ứng dụng hậu kỳ có khả năng "lenses correction".

;

Có thể bạn quan tâm

Tin khác